Cúm mùa và những điều cần biết?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm hằng năm, trong đó có từ 3 đến 5 triệu trường hợp diễn biến nặng. Cúm mùa vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, với gần 650.000 ca tử vong hằng năm. Cúm không phân biệt tuổi tác, giới tính, bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm cúm mùa. Trẻ nhỏ, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và dễ gặp biến chứng nguy hiểm hơn.
1. Cúm mùa là gì?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.
Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong
2. Triệu chứng?
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh cúm mùa thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
- Sốt/cảm thấy sốt hoặc ớn lạnh
- Ho
- Đau họng
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau nhức cơ bắp hoặc cơ thể
- Nhức đầu
- Mệt mỏi
- Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Các triệu chứng của bệnh cúm mùa thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác. Để xác định chính xác nguy cơ mắc cúm và điều trị hiệu quả, người dân cần đến bệnh viện khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
3. Điều trị
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, không có biến chứng: điều trị triệu chứng
Các bác sĩ sẽ thăm khám và hướng dẫn bệnh nhân điều trị tại nhà với các biện pháp như:
- Hạ sốt bằng thuốc Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ.
- Uống nhiều nước, đảm bảo cân bằng chất điện giải.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
- Nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian hồi phục
Các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ: sử dụng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir.
Theo dõi tiến triển của bệnh: Sau khi bắt đầu điều trị, người bệnh cần theo dõi tiến triển của bệnh và báo cáo cho bác sĩ về bất kỳ triệu chứng mới hoặc những vấn đề phát sinh
4. Phòng ngừa
Tiêm phòng vắc xin cúm
WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau:
- Nhân viên y tế
- Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi
- Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…)
- Người trên 65 tuổi
- Phụ nữ mang thai
Ngoài tiêm chủng phòng bệnh
Các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng trong phòng cúm mùa:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
- Vệ sinh hô hấp tốt - che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
- Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm
Trong đa số các trường hợp, bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ và có thể hồi phục tốt nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, các đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người bệnh nền cần đặc biệt cẩn thận với cúm.
Hiện nay tại BVĐK Diễn Châu có các xét nghiệm test nhanh cúm A, B để chẩn đoán cúm. Khoa Truyền Nhiễm BVĐK Diễn Châu đến nay đã tiếp nhận nhiều ca cúm A có biến chứng viêm phổi, trẻ em sốt cao co giật. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị.