BỆNH TIÊU CHẢY CẤP DO ROTAVIRUS, NHỮNG ĐIỀU BỐ MẸ NÊN BIẾT ?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi với các triệu chứng sốt, nôn ói, đi ngoài phân lỏng, đau bụng, mất nước dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
1. Rotavirus là gì
- Rota virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể gây tử vong khi mắc phải. Bệnh thường diễn biến quanh năm và tăng lên vào cuối thu đầu đông.
- Rota virus là virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, có thể sống hàng giờ ở trên bàn tay và trên các bề mặt rắn. Đặc biệt, rotavirus có thể sống ổn định và gây ra bệnh khi sống trong phân 1 tuần.
- Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường phân- miệng và tay- miệng
2. Triệu chứng nhiễm Rotavirus
Sau khi bị lây nhiễm từ nguồn bệnh khoảng 1-2 ngày, trẻ có các triệu chứng sau:
- Sốt: Thường biểu hiện đầu tiên trong 1-2 ngày đầu, có thể từ sốt vừa đến sốt cao.
- Nôn ói: Xuất hiện đầu tiên, trước khi có tiêu chảy từ 6- 12 giờ, kéo dài trong 2- 3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều, sau đó bớt dần và tiếp theo đến tiêu chảy.
- Tiêu chảy: đi phân lỏng toàn nước, màu xanh dưa cải. Tiêu chảy tăng dần những ngày sau đó, kéo dài trong khoảng thời gian 3- 9 ngày.
- Có thể kèm theo quấy khóc, đau bụng, ho,…
3. Biến chứng nhiễm Rotavirus
- Mất nước: khô môi, mắt trũng, khát nhiều, lì bì hay kích thích vật vã, quấy khóc, đánh giá dấu véo da mất nhanh/ mất chậm/ mất rất chậm, thóp trũng. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp do Rotavirus, có thể dẫn đến khô kiệt do mất nước và mất muối, trụy mạch và tử vong nếu không bù nước kịp thời.
- Nhiễm toan chuyển hóa: dấu hiệu trẻ thở mạnh, sâu, môi đỏ.
- Hạ Kali: chướng bụng, liệt ruột cơ năng, loạn nhịp tim, nhược cơ toàn thân.
- Trẻ dễ bị sụt cân và suy dinh dưỡng do bị mất nước nặng.
Trẻ sẽ tử vong nếu các biến chứng nặng lên mà không được điều trị kịp thời.
4. Điều trị
- Bù nước điện giải: Đường uống hoặc truyền tĩnh mạch tuỳ thuộc tình trạng mất nước. Các loại dung dịch uống thường sử dụng: Oresol, nước lọc, nước cháo…
- Điều trị hỗ trợ nâng đỡ thể trạng: Bổ sung kẽm theo lứa tuổi, hạ sốt, cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng các nhóm chất không cho trẻ ăn kiêng khem làm tăng thời gian mắc bệnh.
Lưu ý:
- Khi cho trẻ sử dụng Oresol cần pha đúng tỷ lệ, cho trẻ sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Không tự ý dùng các thuốc cầm nôn, cầm ỉa.
- Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng.
Hình ảnh bệnh nhân nhiễm Rota virus đang điều trị tại khoa Nhi-BVĐK Diễn Châu
5. Phòng bệnh
Để phòng ngừa rotavirus gây tiêu chảy, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh nguồn nước, ăn uống và chế biến thức ăn đúng cách.
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, vệ sinh vật dụng,
- Giữ gìn vệ sinh khi cho trẻ bú
- Sử dụng vắc xin dự phòng. Trẻ nhỏ nên được phòng ngừa càng sớm càng tốt.
Hiện nay bệnh viện đa khoa Diễn Châu thực hiện chẩn đoán Rota virus bằng test nhanh phân bệnh nhân, phương pháp dựa trên nguyên lý của kỹ thuật sắc ký miễn dịch, xét nghiệm này nhanh chóng và chính xác trong việc chẩn đoán bệnh Rota virus.
Tại khoa Nhi bệnh viện đa khoa Diễn Châu hiện vẫn đang điều trị thường xuyên các bệnh nhân nhiễm Rota virus. Đa số các bé khỏi bệnh sau 5-7 ngày điều trị theo phác đồ.