NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH ( CHỤP CT)
.
1. Chụp cắt lớp vi tính là gì ?
Chụp cắt lớp hay còn gọi là chụp CT (Computed Tomography) là kỹ thuật sử dụng nhiều tia X- quang để quét lên một khu vực của cơ thể yêu cầu khám theo lát cắt ngang. Sau đó phối hợp với máy vi tính cho ra kết quả hình ảnh 3 chiều của vị trí cần chụp. So với phương pháp chụp X -quang thì phương pháp này cho hình ảnh rõ nét hơn.
2. Trường hợp nào nên chụp cắt lớp vi tính?
- Để chẩn đoán các rối loạn ở cơ và xương, ví dụ như khối u xương hoặc gãy xương.
- Xác định vị trí của khối u, cục máu đông hoặc nhiễm trùng.
- Hỗ trợ phẫu thuật, sinh thiết và xạ trị.
- Giúp phát hiện, theo dõi và giám sát quá trình điều trị các bệnh như: bệnh tim, bệnh ung thư…
- Phát hiện nội thương và tình trạng chảy máu trong…
3. Rủi ro có thể gặp khi chụp cắt lớp vi tính ?
Chụp cắt lớp vi tính sử dụng kỹ thuật hiện đại nhưng cũng không thể tránh khỏi một số rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thực hiện:
- Phơi nhiễm phóng xạ: Dù thời gian tiếp xúc với bức xạ X khi chụp CT là khá ngắn song lượng bức xạ lớn và tập trung hơn chụp X-quang nên mức nhiễm xạ sẽ cao hơn. Nếu mức nhiễm xạ vượt qua giới hạn an toàn có thể gây tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên nếu người bệnh chụp CT theo chỉ định của bác sĩ (với tần suất phù hợp),điều chỉnh được mức bức xạ thì nguy cơ này rất hiếm khi xảy ra.
- Nguy cơ gây ảnh hưởng cho thai nhi: Thai nhi tiếp xúc với tia bức xạ có thể bị tổn thương, dị tật, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe trong tương lai. Bệnh nhân đang mang thai cần thông báo với bác sĩ để được chuyển sang xét nghiệm chẩn đoán an toàn hơn như chụp cộng hưởng từ MRI hoặc siêu âm.
- Phản ứng với chất tương phản: Các chất tương phản tham gia chụp có thể gây phản ứng dị ứng. Tuy nhiên hầu hết trường hợp chỉ gây ngứa, phát ban, khó chịu nhẹ, rất hiếm khi nguy hiểm đến tính mạng
4. Những lưu ý trước khi chụp cắt lớp vi tính
- Thông báo cho bác sĩ biết nếu trước đó bạn có tiền sử mắc các bệnh như thận, tiểu đường, dị ứng …
- Nếu đang trong giai đoạn mang thai hoặc nghi ngờ có thai phải báo cho bác sĩ để xem xét trước khi chỉ định thực hiện kỹ thuật này.
- Tùy thuộc vào bộ phận kiểm tra trên cơ thể mà bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn uống trước khi chụp, tháo bỏ các vật dụng, đồ trang sức bằng kim loại, thay quần áo và mặc quần áo bệnh viện cung cấp.
- Nếu đối tượng khám bệnh là trẻ em cần có cha mẹ hoặc người thân đi kèm để hỗ trợ khi cần thiết.
- Bạn nên nằm yên trong lúc chụp CT vì chuyển động có thể dẫn đến ảnh bị mờ.
5. Quy trình thực hiện chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp không gây đau, thông thường quá trình chụp chỉ mất khoảng 30 phút. Dưới đây là quy trình thực hiện tại bệnh viện đa khoa Diễn Châu :
Bước 1: Thăm khám
Trước khi thực hiện chụp bác sĩ sẽ kiểm tra các biểu hiện lâm sàng, tiền sử của bệnh nhân và yêu cầu tiến hành một số xét nghiệm bắt buộc nếu cần thiết.
Bước 2: Chuẩn bị
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ giải thích kỹ lưỡng về cách thức chụp, hướng dẫn tư thế nằm chụp cũng như cách hít vào, nín thở.
Bước 3: Thực hiện
Kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm ngửa trên bàn máy chụp CT. Khi bệnh nhân nằm lọt trong lòng của máy CT scanner, lúc này máy sẽ tạo ra tia X và chiếu các tia X đó lên vùng cơ thể cần chụp. Các đầu dò kích thước nhỏ bên trong có nhiệm vụ dùng để đo đạc số lượng tia X xuyên qua bộ phần kiểm tra.
Trong quá trình thực hiện, người bệnh nên hạn chế các cử động
Bước 4: Trả và giải thích phim chụp
Khi quá trình chụp CT kết thúc, hình ảnh sẽ được gửi đến bác sĩ để đọc kết quả. Trường hợp xuất hiện những bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp với thực trạng bệnh lý của bệnh nhân.
Hiện nay bệnh viện đa khoa Diễn Châu được trang bị máy chụp CT – Scanner là hệ thống chụp cắt lớp vi tính công nghệ cao và hiện đại.
- Thời gian chụp cắt lớp nhanh, thời gian lưu trữ dữ liệu cao
- Độ phân giải tốt, đưa ra hình ảnh rõ nét
- Tái tạo các bình diện đứng dọc, đứng ngang, hình ảnh theo trục
Đây là một thành tựu vượt bậc trong chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong quá trình phát hiện, chẩn đoán và tiên lượng sớm và chính xác nhiều căn bệnh :
- Các bệnh lý thần kinh, đau đầu chưa rõ nguyên nhân, tai biến mạch máu não, u não, áp xe não, …
- Chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, chấn thương lồng ngực…
- Các bệnh lý về hô hấp như : viêm phổi, u phổi, u trung thất, áp xe phổi, phình tách động mạch chủ ngực, chủ bụng….
- Các bệnh lý trong ổ bụng như : các khối u gan, u tụy, dạ dày đại tràng, u ruột non, tắc ruột,….
- Chấn thương bụng kín : vỡ tạng đặc như gan, thận, lách, tụy, thủng tạng rỗng như dạ dày, tá tràng.
- Các bệnh lý của hệ tiết niệu như sỏi : thận, sỏi niệu quản, u thận, u bàng quang…
- Chấn thương cột sống thắt lưng, cột sống cổ, ngực, chấn thương khớp gối….