BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ: TÁC NHÂN, BIỂU HIỆN, ĐƯỜNG LÂY, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH
Bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) đang phổ biến, có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch nếu không được cách ly kịp thời. Đây là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, nhưng thường lành tính. Một số có thể có biến chứng viêm, loét giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực nếu để bệnh kéo dài và không điều trị đúng cách.
Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời gian trong năm. Bệnh thường gia tăng vào thời gian giao mùa, nhất là mùa hè đến cuối thu và gặp nhiều ở những người hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ nhỏ.
- Tác nhân:
Phổ biến nhất là do một loại vi rút Adenovirus, có thể do vi khuẩn (phế cầu trùng, liên cầu trùng, tụ cầu trùng…), dị ứng.
- Biểu hiện:
- Mắt đỏ, có ghèn. Người bệnh thường đỏ 1 mắt rồi lây lan sang mắt thứ 2.
- Cộm mắt, nóng rát, nặng mắt
- Mi mắt sưng nhẹ, hơi đau
- Nếu nặng kèm theo nhìn mờ, nhìn thấy quầng màu và sợ ánh sáng, đôi khi có xuất huyết kế mạc.
- Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ.
- Đường lây:
- Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân (đặc biệt nước mắt bệnh nhân chứa nhiều vi rút)
- Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối.
- Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như bể bơi.
- Bệnh viện, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng…có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh.
- Điều trị:
Hiện bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng như dùng kháng sinh, giảm đau và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.
- Lau rửa ghèn ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
- Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
- Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
- Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
- Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu… ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.
- Khi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để khám, được tư vấn và điều trị. Để được điều trị đúng cách, phòng tránh bệnh kéo dài, trở nặng và biến chứng.
- Phòng bệnh:
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân,
- Dùng riêng đồ dùng cá nhân.
- Hạn chế đi bơi trong giai đoạn có dịch bệnh,
- Mang mắt kính che bụi khi ra đường,
- Rửa mắt với dung dịch NaCl 0,9% 3 lần/ngày…
- Riêng người đang bị bệnh đau mắt đỏ cũng nên hạn chế giao tiếp để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng.