CHẾ ĐỘ ĂN CƠ BẢN CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG TUÝP 2
Việc xây dựng một thực đơn hợp lý cho những bệnh nhân tiểu đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2 được các chuyên gia khuyến nghị.
1. Các mục tiêu dinh dưỡng cho người đái tháo đường tuýp 2:
- Duy trì mức đường huyết ở mức gần bình thường nhất có thể bằng cách cân bằng lượng thức ăn với hoat động thể lực, thuốc hạ đường huyết và insulin.
- Cung cấp lượng calo thích hợp để đạt được và duy trì lượng cơ thể mong muốn khỏe mạnh
- Quản lý yếu tố nguy cơ và ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm cả biến chứng cấp tính (hạ đường huyết, nhiễm toan ceton…) và biến chứng mạn tính (bệnh tim mạch, bệnh thận, biến chứng vi mạch…)
2. Nguyên tắc chung
+ Đủ chất đạm, béo, bột, vitamin và các chất khoáng, đủ nước.
+ Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn.
+ Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
+ Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hàng ngày.
+ Duy trì được cân nặng lý tưởng.
+ Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tổn thương thận...
+ Phù hợp với thói quen ăn uống của bệnh nhân.
3. Tổng năng lượng hằng ngày:
Phụ thuộc vào từng bệnh nhân béo hay gầy, tình trạng bệnh lý của bệnh nhân (đường máu và lipid máu), tính chất lao động và thói quen ăn uống hàng ngày của bệnh nhân.
+ Hạn chế năng lượng nhất là những người béo phì.
- Nam giới: 26kcal/kg/ngày.
- Nữ giới: 24kcal/kg/ngày.
+ Đối với những người ĐTĐ có lao động bình thường được thì có thể tính tổng năng lượng theo quy ước:
- Nằm điều trị tại giường: 25kcal/kg/ngày.
- Lao động nhẹ và vừa: 30 - 35kcal/kg/ngày.
- Lao động nặng: 35 - 40kcal/kg/ngày.
4. Tỷ lệ thành phần thức ăn so với tổng năng lượng
Glucid: 50 - 60% năng lượng khẩu phần.
Protein: 15 - 20% năng lượng khẩu phần.
Lipid: 20-30% (với người trọng lượng bình thường và lipid máu bình thường); dưới 30 % (với người béo phì).
Chất xơ: 20 - 35g/ngày.
5. Phân chia bữa ăn
Đối với bệnh nhân ĐTĐ cần chia thức ăn thành nhiều bữa để chống tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói, nhất là ở bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết. Nên ăn 5 - 6 bữa/ngày và nên ăn các bữa ăn vào cùng một thời điểm ở mỗi ngày.
Ăn sáng : 20% tổng năng lượng/ngày.
Phụ sáng : 10% tổng năng lượng/ngày.
Ăn trưa : 25% tổng năng lượng/ngày.
Phụ chiều : 10% tổng năng lượng/ngày.
Ăn tối : 25% tổng năng lượng/ngày.
Phụ tối : 10% tổng năng lượng/ngày.
6. Chọn thực phẩm
Nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI<55)
+ Cung cấp glucid: Nên chọn các loại carbohydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen…giảm gạo, mỳ ngô, khoai, không nên ăn miến dong…
+ Cung cấp protein: các loại thịt nạc, sữa không đường, cá, đậu đỗ, lạc, vừng.
+ Cung cấp lipid: nên dùng dầu thay mỡ, không nên ăn những sản phẩm nhiều chất béo bão hòa như các loại phủ tạng động vật, thịt mỡ, bơ, pho mát... Cần tránh các loại mỡ trung chuyển, phát sinh khi ăn thức ăn chiên rán, thức ăn chiên ngập dầu mỡ.Nên chọn các chất béo không bão hòa đơn có trong bơ, hạnh nhân và quả hồ đào hoặc chất béo không bão hòa có trong quả óc chó và dầu hướng dương, có thể giúp giảm cholesterol.
Các loại hạt chứa chất béo không bão hòa là sự lựa chọn tốt
+ Cung cấp vitamin và khoáng: các loại rau, củ, quả tươi, nên ăn những loại rau có màu xanh lá cây như rau cái, súp lơ, dưa leo, bắp cải… hạn chế ăn những quả quá ngọt như: chuối, mít, na ( GI cao), nên ăn các loại quả có chỉ số đường huyết thấp như: bưởi, lê, táo, cam…
Chất xơ trong rau xanh rất tốt cho người bị bệnh đái tháo đường
- Giảm muối trong bữa ăn, còn khoảng 2300mg Natri mỗi ngày
- Các yếu tố vi lượng: nên chú ý bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu, ví dụ sắt ở người ăn chay trường. Dùng Metformin lâu ngày có thể gây thiếu vitamin B12
- Ngưng hút thuốc lá
Dù có thực hiện chế độ ăn kiêng nhưng bạn vẫn có thể đa dạng thực đơn mỗi ngày với đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng cần thiết. Người bị bệnh đái tháo đường cần kết hợp chế độ ăn hợp lý, tập thể dục và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ.