Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và những điều cần biết
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn gọi là COPD (Chronic obstructive pulmonary disease), là một bệnh phổi mạn tính đặc trưng bởi luồng khí thở trong phổi bị tắc nghẽn. Nguyên nhân gây bệnh là do tiếp xúc lâu dài với các phân tử khí độc hại, khói thuốc lá, thuốc lào thường là nguy cơ chính.
Bênh thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, gặp nhiều ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào (bao gồm hút thuốc chủ động và bị động), và tiền sử tiếp xúc môi trường ô nhiễm trong khoảng thời gian dài.
Triệu chứng của bệnh COPD giai đoạn đầu có thể bao gồm:
- Cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi gắng sức
- Thở khò khè, tức nặng ngực
- Ho mạn tính
- Khạc đờm kéo dài
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
Chăm sóc bệnh nhân COPD như thế nào?
- Về chế độ ăn
Người bệnh COPD cần ưu tiên sử dụng đạm và chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật, hạn chế chất béo có nguồn gốc từ gia cầm, nội tạng động vật…Ngoài ra, người bệnh cần tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng chất bằng cách ăn nhiều rau, củ, quả, trái cây giúp người bệnh tiêu hóa tốt hơn, hạn chế táo bón. Cần chú ý tránh ăn quá nhiều tinh bột, các thực phẩm dễ sinh hơi như hành tây, gia vị cay nóng như hạt tiêu, tỏi, ớt…
Về tần suất bữa ăn, người bệnh nên chia thành 5-6 bữa nhỏ/ngày, chế biến mềm, nhừ để dễ nhai, tránh cho người bệnh phải gắng sức khi ăn, ăn chậm, nhai kỹ, ăn từng miếng nhỏ. Uống đủ nước rất quan trọng vì giúp hạn chế táo bón, giúp làm loãng đờm, tạo điều kiện cho người bệnh ho khạc đờm dễ dàng. Ngoài nước lọc, người bệnh có thể uống thêm nước hoa quả vừa để bổ sung nước, vừa bổ sung dinh dưỡng.
- Chế độ vận động
Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, càng ít vận động, cơ bắp càng có nguy cơ yếu dần và khó thực hiện ngay cả những vận động đơn giản hàng ngày. Do đó, người bệnh COPD nên thực hiện đều đặn các bài tập vận động đơn giản để tăng cường sức khỏe như đi bộ nhẹ nhàng, các bài tập thở… theo khả năng của chính mình, tránh gắng sức.
- Vệ sinh cá nhân
Nhiều người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị khó thở khi làm những công việc đơn giản như vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, người nhà nên để người bệnh tự làm vệ sinh cá nhân nếu có đủ sức khỏe, việc này giúp họ cảm giác thoải mái, dễ chịu, đặc biệt là cảm giác tự chủ, không lệ thuộc vào người khác.
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh COPD
COPD là căn bệnh mạn tính kéo dài cho đến suốt quãng đời còn lại kể từ khi phát hiện bệnh. Do đó, người bệnh cần biết cách thay đổi thói quen, sắp xếp công việc, bố trí đồ đạc trong nhà, tiết kiệm năng lượng, kiểm soát bệnh để giúp cuộc sống sinh hoạt thường ngày dễ dàng, thuận lợi hơn, qua đó giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, chất lượng cuộc sống tốt.
- Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Bệnh COPD có thể gây ra những tổn thương lâu dài cho phổi, nhưng bệnh có thể phòng ngừa cũng như điều trị làm chậm quá trình tiến triển. Ngay khi phát hiện ra dấu hiệu cảnh báo bất thường ở đường hô hấp, người bệnh cần thăm khám sớm tại cơ quan y tế chuyên môn để được kịp thời hỗ trợ, tránh tình trạng xấu đáng tiếc xảy ra.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu tiếp nhận, quản lý hàng trăm bệnh nhân COPD thăm khám định kỳ mỗi tháng. Khi đến bệnh viện, người bệnh được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm và đo chức năng hô hấp để nhận định được mức độ tắc nghẽn và giai đoạn của bệnh. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị cụ thể hóa cho từng bệnh nhân. Đồng thời, hướng dẫn họ dùng thuốc tại nhà, hướng dẫn chế độ sinh hoạt hợp lý và hướng dẫn người bệnh tập các bài tập phục hồi chức năng cho cơ hô hấp. Khi trở về điều trị tại nhà, người bệnh sẽ được theo dõi định kỳ hàng tháng. Mỗi lần thăm khám theo lịch khám định kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chức năng hô hấp, tư vấn và cấp thuốc điều trị dự phòng cho người bệnh.