PHÁT HIỆN SỚM TRẺ BỊ TINH HOÀN ẨN ĐỂ KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE VÀ KHẢ NĂNG SINH SẢN SAU NÀY CỦA TRẺ
Phát hiện, điều trị sớm trẻ bị tinh hoàn ẩn là cần thiết để không ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này của trẻ
TINH HOÀN ẨN LÀ GÌ?
Thời kỳ bào thai tinh hoàn di chuyển từ ổ bụng qua ống bẹn xuống bìu. Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn không ở trong bìu, nó dừng lại ở vị trí nào đó của con đường di chuyển như trong thời kỳ bào thai.
Tỷ lệ mắc tinh hoàn ẩn ở bé trai là khoảng 3-4% ở trẻ trai khi sinh, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ sinh nhẹ cân, sinh non, sinh đôi. Thường chỉ một tinh hoàn bị ảnh hưởng nhưng khoảng 10% trẻ bị cả hai tinh hoàn
Trong nhiều trường hợp, tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được 3 tháng tuổi. Nếu tinh hoàn không nằm trong bìu cho đến khi 6 tháng tuổi, rất khó để tinh hoàn tự động đi xuống và cần được điều trị.
Nếu bệnh nhân chỉ bị ẩn tinh hoàn một bên thì vẫn có khả năng có con nhưng có nhiều rủi ro do nguy cơ bị ung thư bên tinh hoàn ẩn và nhiều nguy cơ khác. Trường hợp người bệnh bị tinh hoàn ẩn hai bên thì nguy cơ vô sinh rất cao. Những người này thường có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng. Thậm chí, có người còn không thể quan hệ tình dục được do thiếu hụt nội tiết tố trầm trọng
CÓ 2 DẠNG TINH HOÀN ẨN:
Tinh hoàn ẩn sờ thấy: sờ được tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn lò xo.
Tinh hoàn ẩn không sờ thấy: tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu, trong ổ bụng, không sờ thấy tinh hoàn.
NGUYÊN NHÂN BỆNH
Suy tuyến yên làm thiếu gonadotropin gây tinh hoàn ẩn và chứng dương vật nhỏ.
Sai lệch tổng hợp testosterone làm cho tinh hoàn không phát triển bình thường.
Hội chứng giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen
Mẹ mang thai nhi nam dùng diethylstilbestrol nhiều hay thuốc kháng androgen
Phát triển bất thường của dây chằng tinh hoàn-bìu
Các yếu tố cơ học như: cuống mạch của tinh hoàn ngắn, xơ hóa vùng ống bẹn...
TRIỆU CHỨNG BỆNH TINH HOÀN ẨN
Triệu chứng tinh hoàn ẩn ở bé trai: không nhìn thấy hoặc không sờ thấy tinh hoàn ở bìu
Triệu chứng tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành:
• Người bệnh tự sờ thấy trong bìu không có tinh hoàn hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên.
• Bìu kém phát triển, tinh hoàn ẩn càng cao thì bìu càng kém phát triển.
• Người bệnh chỉ sờ thấy một bên tinh hoàn.Tình trạng này có thể là:
• Tinh hoàn co rút: tinh hoàn di chuyển lên xuống giữa bìu và bẹn, có thể dễ dàng xuống bìu trở lại khi thăm khám. Điều này không phải là bất thường và nguyên nhân là do phản xạ cơ bìu.
• Tinh hoàn đi lên hay tinh hoàn ẩn mắc phải: nghĩa là tinh hoàn quay trở lại bẹn và không thể dùng tay để xuống bìu lại được.
CÁC THĂM KHÁM CẬN LÂM SÀNG
• Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hay nội soi ổ bụng: là các phương tiện thăm dò từ thấp đến cao nhằm xác định chính xác vị trí của tinh hoàn ẩn. Ngoài ra, còn có thể phát hiện những bất thường khác của tinh hoàn như u tinh hoàn, vôi hóa nhu mô tinh hoàn,…
• Xét nghiệm nhiễm sắc thể: nên được tiến hành một cách hệ thống để phát hiện các trường hợp giới tính không xác định.
• Nghiệm pháp HCG: là một nghiệm pháp được sử dụng để xác định xem tinh hoàn có hay không có trong trường hợp cả hai tinh hoàn đều không sờ thấy.
• Các xét nghiệm nội tiết tố: LH, FSH, prolactin, estradiol và testosterone.
• Các xét nghiệm chỉ điểm khối u: αFP, β-HCG nên làm để phát hiện các trường hợp ác tính.
CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ
Cần phát hiện sớm và điều trị trước 2 tuổi.
Nếu có thể sờ thấy tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn thường tự di chuyển xuống mà không cần điều trị. Nếu tới lúc trẻ được 6 tháng tuổi mà tinh hoàn vẫn không tự di chuyển xuống, có thể cần một số biện pháp can thiệp.
Bên cạnh điều trị nội khoa bằng thuốc, có thể điều trị tinh hoàn ẩn bằng phẫu thuật:
Phẫu thuật được chỉ định nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, đảm bảo các nguyên tắc:
• Đưa tinh hoàn ra ngoài lớp phúc mạc, đóng phúc mạc.
• Phẫu tích, bóc tách, kéo dài cuống tinh hoàn để chuyển tinh hoàn vào bìu.
• Phẫu thuật điều trị bệnh tinh hoàn ẩn là một phẫu thuật bảo tồn, do vậy nên được tiến hành khi có các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm.
• Thời gian phẫu thuật tốt nhất là khi trẻ được 1-2 tuổi.
Đối với nam giới trưởng thành, cần phải tiến hành phẫu thuật ngay nếu:
• Tinh hoàn chưa bị ung thư hóa thì tiến hành phẫu thuật hạ tinh hoàn, kết hợp với cân bằng nội tiết tố
• Tinh hoàn bị ung thư hóa thì cần cắt bỏ tinh hoàn, nạo vét hạch kết hợp với điều trị chống ung thư hỗ trợ.