NGỘ ĐỘC CÁ NÓC VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Cá nóc dù được biết đến là một loại cá độc nhưng vẫn được tiêu thụ và phục vụ trong các món ăn. Đây cũng là nguyên nhân gây ra những trường hợp ngộ độc cá nóc nặng và có thể dẫn đến tử vong.
1. Vì sao ăn cá nóc bị ngộ độc?
Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc cá nóc, có người đã tử vong.
Nguyên nhân gây ngộ độc cá nóc chính là do độc chất tetrodotoxin ở trong cá nóc, tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Chất độc trong cá nóc rất đặc biệt, chúng không bị phá hủy ở nhiệt độ sôi hay các phương pháp chế biến thực phẩm khác như làm khô. Đây là một chất độc thần kinh rất mạnh có thể gây ra tình trạng liệt cơ, suy hô hấp thậm chí là tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Một phương pháp so sánh đơn giản về mức độ độc tính trong cá nóc là tetrodotoxin mạnh gấp 1000 xyanua. vì vậy nếu không hiểu biết về loài cá này và ăn nhầm chúng thì nguy cơ tử vong rất cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra chỉ cần 4mg thịt cá nóc lượng độc tố trong đó đã đủ giết một con thỏ, người bình thường chỉ cần từ 1-2mg cũng có thể bị ngộ độc thậm chí là tử vong.
2. Triệu chứng ngộ độc cá nóc?
Biểu hiện thường xảy ra sau 5 phút- 3 giờ sau khi ăn cá nóc còn độc tố. Ban đầu người bệnh sẽ thấy tê miệng, lưỡi, 2 môi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn tiếp theo có thể có các triệu chứng như:
- Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt
- Khó nói
- Ngón, bàn tay, bàn chân tê yếu
- Mất phản xạ
- Hạ huyết áp nghiêm trọng
- Trong 4-6 giờ các triệu chứng có thể tiến triển nặng thêm và dẫn tới tê liệt, mất ý thức cuối cùng là suy hô hấp và tử vong.
3. Xử trí ngộ độc cá nóc như thế nào?
Cách xử trí ngộ độc cá nóc cần phải tuân theo nguyên tắc: Hạn chế các độc tố được hấp thụ đi sâu vào cơ thể, điều trị loại bỏ các triệu chứng và can thiệp tích cực khi có triệu chứng nặng để bảo đảm tính mạng.
Khi thấy người ngộ độc cá nóc có thể xử lý nhanh chóng bằng cách:
- Cố gắng hỗ trợ người ngộ độc nôn hết thức ăn đã ăn trước đó.
- Nếu người ngộ độc còn tỉnh thì có thể cho sử dụng than hoạt tính sau 1 giờ ăn tùy thuộc vào từng lứa tuổi và cân nặng. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi dùng 1g than hoạt tính cho cùng 1kg cân nặng và pha cùng 50ml nước lọc. Trẻ dưới 12 tuổi dùng 25g than hoạt tính pha cùng với 200ml nước. Người lớn thì dùng 30g than hoạt tính cùng 300ml nước.
- Đối với các bệnh nhân đã hôn mê hay rối loạn ý thức, khó thở hoặc thở yếu, ngưng thở cần thực hiện hô hấp nhân tạo, thổi ngạt và đưa tới cơ sở y tế để được điều trị hồi sức cấp cứu.
4. Phòng tránh ngộ độc cá nóc:
Hiện nay, độc tố tetrodotoxin từ cá nóc chưa có thuốc đặc trị. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngộ độc cá nóc như sau:
- Cần loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá.
- Loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô.
- Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm các nóc khác để bán.
- Không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.