HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TRẺ BỊ SỞI TẠI NHÀ?
Hiện nay, bệnh sởi chưa có điều trị đặc hiệu. Nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Bố mẹ cần nắm rõ cách chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà nhằm giúp trẻ rút ngắn quá trình hồi phục bệnh, tăng hiệu quả điều trị cho trẻ
1. Hạ sốt
Trẻ sốt nhẹ, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp hạ sốt không dùng thuốc như chườm ấm, cho trẻ mặc đồ thông thoáng, khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn… Trường hợp trẻ sốt cao, bố mẹ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ.
2. Vệ sinh môi trường sống
Trẻ bị sởi nên được nghỉ ngơi trong không gian thông thoáng, sạch sẽ, nhằm phòng ngừa biến chứng bội nhiễm vi khuẩn, trẻ nhanh khỏi bệnh. Vì vậy, bố mẹ nên dọn dẹp, khử khuẩn không gian sống, phòng ngủ và khu vực vui chơi của trẻ thường xuyên. Đồng thời, giặt giũ quần áo, chăn ga, gối của trẻ sạch sẽ.
3. Chế độ dinh dưỡng
Trẻ có thể sẽ biếng ăn hơn khi bị sởi, tuy nhiên đây là giai đoạn trẻ cần được tăng cường bổ sung dinh dưỡng để sức khỏe nhanh chóng hồi phục. Bố mẹ nên chú ý cân chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ, đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất và cân bằng, ưu tiên những món ăn dạng lỏng, mềm, dễ tiêu. Có thể chia nhỏ cữ ăn hàng ngày để trẻ không cảm thấy quá ngán hoặc quá no; không bắt ép trẻ ăn. Đặc biệt, bố mẹ nên tăng cường vitamin và khoáng chất, đặc biệt là rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin A cho trẻ.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước và điện giải đã mất, tránh biến chứng do mất nước.
4. Tắm cho trẻ bị sởi
“Trẻ bị sởi có tắm được không?” là vấn đề được các bậc cha mẹ nên quan tâm. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày giúp giảm nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cho trẻ bị sởi. Tắm rửa đúng cách, thường xuyên rửa tay với xà phòng khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh răng miệng, súc miệng với nước muối mỗi ngày.
5. Tránh lây nhiễm
Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, từ khi mới sốt, 2-3 ngày trước nổi ban và lây trong suốt thời kỳ phát ban (khoảng 7-8 ngày). Do đó, bố mẹ cần lưu ý vấn đề kiểm soát bệnh và phòng tránh lây nhiễm ngay từ khi nghi ngờ trẻ bị sởi cho đến ít nhất 5 ngày sau khi trẻ phát ban. Tránh cho trẻ bị sởi tiếp xúc hoặc dùng chung các vật dụng, đặc biệt là đồ dùng cá nhân với trẻ khỏe mạnh.
Khi đưa trẻ mắc bệnh ra ngoài, cần đeo khẩu trang kháng khuẩn cho trẻ. Trẻ trong độ tuổi đến trường, cần thông báo cho giáo viên phụ trách và nên cho trẻ học tại nhà cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh.
6. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Bệnh sởi hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc với liều lượng phù hợp cho trẻ. Trẻ bị sởi, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn để trẻ nhanh khỏi bệnh.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sởi
- Trẻ bị sởi, bố mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc, ngưng thuốc hay tăng/giảm liều lượng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ.
- Không tắm cho trẻ bằng nước lá, đắp thuốc hay áp dụng các bài thuốc trị sởi dân gian để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn cho trẻ.
- Tránh để mắt trẻ tiếp xúc với ánh sáng mạnh bởi khi bị sởi, mắt của của trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
- Tránh để trẻ nghỉ ngơi ở những nơi có gió lùa để giảm nguy cơ nhiễm lạnh, mất nước.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc
Trong thời gian chăm sóc và điều trị tại nhà, người bị sởi có các dấu hiệu bất thường như: sốt liên tục không hạ, ho nhiều hơn và có đờm, khó thở, đau ngực, bỏ bú (với trẻ còn bú mẹ), có biểu hiện chói mắt,... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám lại và xử trí kịp thời.